PHONG TỤC CƯỚI NGƯỜI NÙNG
Phong tục cưới ở mọi miền đất nước luôn có những nét đặc trưng khác nhau, cùng tìm hiểu về tục cưới của người Nùng nhé. Lễ cưới của người Nùng thường được tổ chức sau lễ ăn hỏi khoảng 2-3 tháng, cũng có khi sớm hơn vì họ cũng quan niệm như người Kinh: “Cưới vợ phải cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”.
Lễ cưới của người Nùng diễn ra với nhiều thủ tục, lễ nghi khá đặc sắc. Trước tiên phải kể tới lễ đón dâu. Lễ đón dâu của người Nùng phải đúng thời gian như đã ước hẹn trong lễ ăn hỏi. Đoàn đón dâu của người Nùng thường là 6, 8 hoặc 10 người. Bởi theo quan niệm dân gian của người Nùng, số chẵn là số may mắn. Khi xuất hành đến nhà gái, chú rể phải thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên và cúi lạy. Có nơi, sau khi chú rể làm xong các thủ tục đó sẽ bị té nước, chú rể bị té nước càng nhiều thì coi như càng được nhiều may mắn. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về. Khi đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào nhà. Về nghi lễ này thì mỗi nhóm người Nùng có cách làm riêng. Theo phong tục của người Nùng Cháo, trước khi vào nhà, cô dâu phải dùng chân làm đổ cái bàn, trên đó có 5 cái bánh nặn bằng gio bếp mà gia đình nhà chú rể chuẩn bị, coi như từ nay cô dâu đã là người của nhà trai. Sau đó, cô dâu sẽ phải vào lạy bàn thờ tổ tiên và ra mời trầu, mời nước bố, mẹ chồng và những người có tuổi trong họ nhà trai. Từ đây, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Hôm sau, đôi vợ chồng trẻ đến nhà bố mẹ vợ, gọi là lễ lại mặt. Lễ vật mang theo thường gồm một cỗ xôi, một cái chân giò. Lúc này chàng rể sẽ đi thăm họ hàng nhà vợ để nhận mặt. Tục cưới người Nùng lại mạng lại thêm một nét riêng cho văn hóa cưới của các vùng miền. Văn hóa luôn đa dạng và đặc săc và vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá đến. Nguồn: Sưu Tầm - Dân Tộc Nùng Trang thông tin điện tử Hà Nội -
Comments